Báo động tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động ngày càng tăng cao

Xuất khẩu lao động hiện nay đang vô cùng phát triển, nó là con đường giúp nhiều người lao động tăng mức thu nhập, cải thiện cuộc sống.Tuy nhiên xung quanh hoạt động xuất khẩu lao động thì những tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực này vẫn còn tồn tại rất ngang nhiên và phổ biến.

Các hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động phổ biến hiện nay

Thứ nhất: Mạo danh các doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Các công ty này thường quảng cáo thông tin trên mạng xã hội với địa chỉ không rõ ràng, lập trung tâm tuyển dụng lao động gần các doanh nghiệp có uy tín; có thương hiệu trong lĩnh vực này để vận động người có nhu cầu xuất khẩu lao động đóng tiền qua trung gian hoặc các trung tâm môi giới không có chức năng xuất khẩu lao động; ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động không đảm bảo, các chi tiết thỏa thuận mơ hồ.

Một “chiêu” khá phổ biến khác là đăng thông tin trên internet với nội dung hấp dẫn như: xuất cảnh nhanh, công việc ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ, sức khỏe…

Ngoài ra chúng còn thành lập các doanh nghiệp, giả danh cán bộ đi tuyển sinh để lừa đảo. Với chiêu bài tuyển chọn hay thậm chí đưa người lao động đi học để gây được niềm tin; khiến nhiều người sau một thời gian dài đi học mới hay biết mình bị lừa khi đã giao một khoản tiền khá lớn cho cò mồi.

Thứ hai: Các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người dân xuất khẩu lao động bất hợp pháp

Một hình thức lừa đảo khá phổ biến nữa là các đối tượng dụ dỗ người lao động đi xuất khẩu “chui” dưới hình thức du lịch, du học, thăm người thân, kết hôn giả. Điều nguy hiểm của thủ đoạn này là người bị hại vừa mất tiền, vừa không tìm được việc làm, lại đứng trước nguy cơ bị nhà chức trách nước sở tại bắt, phạt tiền, phạt tù, thậm chí mất cả tính mạng.

Bất nhân hơn, có đối tượng, đường dây lừa đảo còn lợi dụng sự nhẹ dạ, hứa hẹn đưa những cô gái trẻ sang nước ngoài làm việc với thu nhập cao, nhưng đã bán họ vào động mại dâm. Sau đó nhiều người lao động đã ở lại kiếm tiền kể cả khi đã hết thời hạn và cuộc sống ở miền đất khách quê người không như mong đợi.

Thứ ba: Doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động hoạt động không đúng giấy phép

Nhu cầu việc làm của người lao động quá lớn nên ngày càng xuất hiện nhiều đường dây xuất khẩu lao động trái phép. Bên cạnh việc tuyển dụng bất hợp pháp của một số cá nhân, doanh nghiệp bất hợp pháp xuất khẩu lao động thì thời gian qua đã xuất hiện một số công ty có chức năng xuất khẩu lao động nhưng hoạt động không đúng giấy phép.

Nhiều doanh nghiệp lập ra các chi nhánh, trung tâm nhưng sau khi được cấp phép hoạt động thì thiếu quản lý, phó mặc cho các văn phòng đại diện, diễn ra các hành vi lừa đảo, lợi dụng để thu phí cao. Điều này, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng, số lượng lao động đưa đi, đến khi có vụ việc xảy ra với lao động lại đùn đẩy trách nhiệm, khiến cho tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng phổ biến. Do đó việc các doanh nghiệp mở nhiều trung tâm xuất khẩu lao động như hiện nay là không hiệu quả. Muốn việc này trở nên hiệu quả thì các doanh nghiệp phải chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyên nhân nào khiến người lao động rơi vào cảnh lừa đảo?

1. Nguyên nhân thứ nhất: Hạn chế trong việc tiếp cận thông tin

Do thông tin về xuất khẩu lao động chưa đến được với mọi người lao động, thông tin còn hạn chế. Phần lớn người lao động không biết tiếp cận với cơ quan, đơn vị nào để làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Do thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin, lại có tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở nước ngoài với thu nhập cao nên người lao động rất dễ bị môi giới, cò mồi và những tổ chức cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động lợi dụng tuyên truyền có thể đưa đi làm việc ở những thị trường, ngành nghề, công việc có thu nhập cao, tiêu chuẩn về tay nghề, ngoại ngữ không cao, thời gian xuất cảnh nhanh….

Do thông tin xuất khẩu lao động đến với người dân còn hạn chế, không ít người lao động không biết tiếp cận với cơ quan đơn vị nào để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Do thiếu thông tin nhẹ dạ cả tin, lại có tâm lý nôn nóng muốn được đi làm ngay ở nước ngoài với thu nhập cao nên người lao động rất dễ bị các đối tượng lừa đảo.

2. Nguyên nhân thứ hai: Quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng

Ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động.

Nhiều doanh nghiệp lập nhiều chi nhánh, trung tâm, cơ sở đào tạo tràn lan khiến tình hình trở nên phức tạp. Sự yếu kém của một số cán bộ trong việc thẩm định tư cách, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp được hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn dẫn đến việc bị các đối tượng lợi dụng.

Còn phía người dân do tâm lý nóng vội không tìm hiểu kỹ, không được tuyên truyền phổ biến đúng pháp luật đã rơi vào thế tiền mất tật mang.

3. Nguyên nhân thứ 3: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Cơ chế chính sách pháp luật trong vấn đề xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ, chưa quy định đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm để doanh nghiệp tổ chức và người lao động phải chấp hành, đồng thời cũng làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.

Luật cũng chưa quy định chặt chẽ các doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy chưa hạn chế được số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này ngày càng tăng, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu trách nhiệm đối với lao động.


© Copyright 2018-2024 Labor.